Search:
View  Edit  Attributes  History  Attach  Print  Search
Menu VH / NIỀMVUIBẤTNGỜ

Menu

Options

edit SideBar

Niềm vui bất ngờ

Hai con chó bec.giê to tướng chồm lên ngoạm lấy miếng thịt bó ngon lành từ tay ông thầy . Cứ mỗi khi chúng lập lại được một động tác ông thầy vừa dạy là được tưởng thưởng xứng đáng . Tí đứng nhìn trân trối vừa thích thú vừa khâm phục . Xấp vé số trên tay nó hãy còn nguyên . Tí chưa bán được một tấm vé số nào cả , nó mải mê đứng xem lớp học của những con chó lanh lợi , thông minh kia.Vòng người đứng xem mỗi lúc một đông hơn . Có lẽ là vì hôm nay là chủ nhật , lớp học đặc biệt nầy nằm trong khuôn viên vườn Tao Đàn nên thường xuyên du khách lui tới khá đông . Tí cũng hy vọng hôm nay mình sẽ bán hết sớm hơn mọi ngày . Bên cạnh Tí , một nhóm học sinh đi cắm trại hay đi pic nic gì đó đang chen nhau để được đứng ở hàng đầu xem cho rõ . Tí lùi lại nhường bước , vả lại Tí còn phải tranh thủ để bán cho hết xấp vé số mẹ vừa mới đưa sáng nay. Ngày nào cũng thế , Tí dậy sớm phụ mẹ dọn hàng , gánh nồi cháo đậu giúp mẹ , bày biện mọi thứ rồi húp vội chén cháo nóng là Tí cũng ba chân bốn cẳng đu lên chiếc xe bus đã đông người để bán vé số. - Ê – thằng nhỏ – xích ra mầy … Một giọng nói trong trẻo nhưng có vẻ phách lối kèm theo một cái đẩy khá mạnh . Nó ngã chúi về phía trước , rồi quen miệng nó buột mồm chửi thề . Một cái tát khá mạnh giáng vào mạnh nó , nó đã định phản công lại nhưng chưa kịp thì lỗ tai nó đã bị ai đó kéo lên đau điếng : -Nè – mầy chửi ai – bé con ? tránh ra cho cậu chủ xem một tí được không . Nó ôm tai nhăn nhó nhìn trừng trừng kẻ vừa xách tai và tát nó . Đó là một gã đàn ông trạc ba mươi ngoài , gương mặt đen đúa trông rất dữ , cái nhìn của ông ta không chút thiện cảm . Thấy nó có vẻ hằn học , bất mãn ông ta trợn mắt : - Xéo đi – ông tát cho một cái nữa bây giờ . Nó ấm ức , lầu bầu chửi thề , tuy không nói thành tiếng nhưng ánh mắt bất mãn của nó nhìn chòng chọc vào người đàn ông và cậu bé dữ quá đến nỗi họ phải quay đi vờ như không thấy. Nó lủi thủi lui ra cầm xấp vé số trên tay, nó tự biết là mình không được phép đứng đó xem thêm một giây phút nào nữa , không phải vì hai người kia xua đuổi nó , cũng không phải vì nó không thích xem những con chó tinh khôn kia làm trò , mà vì xấp vé số trên tay nó hãy còn nguyên . Lúc đi , mẹ đã dặn : Tí – hôm nay nhớ bán xong , về sớm sớm nghe con – đừng có rong chơi rối mất cả vốn lẫn lời đấy . Mẹ dạo này buôn bán ế ẩm lắm , con ráng chịu cực ít lâu , khi naò bố về , bố sẽ đến bù lại cho mẹ con mình . Nghĩ đến đấy Tí rơm rớm nước mắt. Nếu bố còn ở nhà giờ này Tí và mẹ đâu phải vất vả đến thế . Tí hình dung đến khuôn mặt xương xương , hiền hoà của bố . Hình ảnh đó chỉ còn lờ mờ trong trí nó vì ngày bố ra đi Tí mới lên bốn, đầu óc non nớt của Tí chỉ còn giữ lại hình ảnh bố đội nón có gắn hoa mai vàbộ đồ chiến binh trông “oai” làm sao. Bố bồng Tí trên tay mỗi khi đi phố vì sợ xe cộ. Mẹ phải nói mãi bố mới dắt em đi nhưng lúc nào cũng nắm tay thật chặt sợ Tí đi lạc - Mẹ đi bên cạnh . Ôi! những ngày hạnh phúc của gia đình Tí sao ngắn ngủi dường ấy ? Bố đi đâu mà mãi đến bây giờ vẫn chưa về , cũng chẳng một tin tức nào gửi lại cho mẹ . Nhiều lúc Tí tự hỏi :không biết giờ này ở phương trời nào đấy bố nhớ đến mẹ con Tí nơi đây không ? Bố có hình dung được nỗi cơ cực mà mẹ con Tí phải chịu từ ngày vắng bố không ? Bước từng bước trên hè phố , Tí nghĩ ngợi vẩn vơ và cảm thấy tủi thân vô hạn . Như thằng bé hồi nãy , nó có hơn gì Tí mà nó phách lối , dọa nạt Tí như vậy ? Chẳng qua nó giàu hơn và không phải đi bán vé số như Tí thôi . Trong đầu óc ngây thơ của Tí cái lối so sánh buồn cười như thế cứ xảy ra luôn mỗi khi Tí bị trêu ghẹo hay bắt nạt bởi những đứa trẻ cùng tuổi . Tí bước vào một quán cà phê để mời khách . Có từng đôi người trong quán ấy , họ chẳng để ý gì đến nó nhưng Tí thì quan sát họ kỹ lắm . Cũng dễ hiểu thôi , bởi vì Tí cần phải giải quyết cho xong xấp vé số còn dày cộm trong tay . Tí chỉ mời khi nào họ đang trả tiền và sắp sửa rời quán thôi , bởi vì những lúc đó họ thường bớt ít tiền để mua lấy vận may mà Tí mời mọc . Đôi khi họ còn vui vẻ cho Tí cả tiền lẻ nữa . Cũng có những ông khách quạu quọ xua đuổi nhưng Tí chẳng bao giờ lấy thế làm buồn . Tí chỉ buồn khi nào bị mẹ mắng mà thôi . Bên ngoài quán đột nhiên trời đổ mưa to , Tí không thể sang bên kia đường , đành đứng nép vào xó cửa để đợi ngớt mưa vậy . Có một người đàn ông mặc đồ “vét” rất sang trọng vẫy Tí đến gần , ông ta không mua vé số mà chỉ hỏi thăm đường . Chắc ông ta từ nước ngoài về . Tí nghĩ thầm , Tí hướng dẫn ông ta cặn kẽ nơi ông ta muốn đến . Nó cũng cảm thấy hơi lạ một chút vì nơi ông ta muốn đến chính là con hẻm nhà Tí ở . Chắc là ông ta có nhà bà con ở đấy . Ông khách đứng lên xoa đầu nó , cho nó mấy đồng tiền lẻ nhưng nó không nhận – nó cũng chẳng hiểu tại sao? Chắc là vì ông ấy không mua vé số . Nếu hỏi thăm đường rồi trả tiền công thì kỳ quá . Tí có phải là ăn mày đâu ? Bên ngoài trời đã dứt hẳn cơn mưa , đường xá ướt cũng khá lầy lội . Dạo này cuối mùa nhưng hễ có mưa thì trận nào cũng đích đáng cả . Chắc tại vì cống rãnh không được thông . Tí nhìn xuống một miệng cống gần đấy . Ôi thôi ! toàn rác là rác , những người bán ở vỉa hè – cứ đổ rác xuống đấy vô tội vạ – nào có ai cấm họ đâu ?Bảng cấm thì có đấy nhưng bảng cấm chỉ câm lặng đứng nhìn họ mà không có một biện pháp nào tích cực hết . Cho nên cứ có trận mưa nào to to thì phố xá lại ngập nước và rác rưởi được dịp trôi nổi khắp nơi , xe cộ thì chết máy la liệt đó đây . Phải hơn một tiếng đồng hồ sau nước mới rút hết và cảnh cũ lại tái diễn mỗi khi có mưa to . Hồi nhỏ , Tí thích lắm, thích lội bì bõm dưới nước bên cạnh mẹ , hay xếp thuyền thả cho nó trôi nổi khắp nơi để rồi sẽ bị đắm ở một nơi nào đó … Đã bảy năm trôi qua kể từ khi bố vắng nhà . Năm nay Tí sắp mười hai tuổi rồi . Nhớ ngày xưa , mỗi lần sinh nhật Tí , bố mua cho em không biết bao nhiêu là đồ chơi . Bây giờ đã lớn , không chơi nữa nhưng những món quà của bố , Tí giữ kỹ lắm . Đó là vật kỷ niệm của bố ! Mỗi khi , có những đứa em bà con đến chơi , hay trẻ hàng xóm sang , mẹ bảo lấy ra cho chúng chơi – Tí thường bảo thế và tuyệt nhiên mẹ không ép Tí phải mở “kho tàng” đồ chơi của bố ra nữa . Tí luôn gìn giữ nó như báu vật của riêng mình . Tí có cả chìa khoá riêng của ngăn tủ ấy . Thỉnh thoảng , nhớ bố, Tí bày tất cả ra nền nhà , ngồi ngắm nghía từng món một , em hình dung gương mặt bố , hình ảnh lờ mờ ấy không được rõ nét lắm vì lúc ấy Tí hãy còn quá nhỏ , nhưng với tấm ảnh bên cạnh giúp Tí tưởng tượng thêm ra . Tí tưởng tượng cả đến giọng nói của bố , ánh mắt của bố đều hướng về em với tất cả lòng yêu thương vô bờ của một người cha…Cuối cùng nước mắt Tí tráo ra rồi Tí úp mặt vào gối mà khóc : bố ơi, bố về với con đi , sao bố đi đâu lâu quá chẳng có tin tức gì cả ? – Hay là bố …Em chẳng giám nghĩ thêm nữa . Chiều nay , Tí cảm thấy vui vì đã bán xong xấp vé số, chưa bao giờ Tí bán đắt đến vậy . Số tiền cầm trên tay làm cho Tí vui hơn khi nghĩ đến đôi mắt sáng lên của mẹ . Vậy là Tí đã đóng góp được một phần nào công sức nhỏ nhoi của mình cho cái gia đình bé nhỏ của Tí . Em nhảy chân sáo trên vỉa hè , lòng thanh thản lạ ! Tí ngắm nghía những món đồ chơi điện tử được bày trong một cửa hàng khá sang trọng . Nhiều hôm , Tí mải mê xem đến nỗi rất muộn mới bán hết xấp vé số . Thế là phải nghỉ buổi học chiều để giải quyết . Dù mẹ có rầy la đôi chút nhưng mẹ không hề đánh đòn Tí bao giờ . Chắc mẹ cũng nghĩ đến những ngày có bố ở nhà , Tí được nuông chìu biết bao ! Tí rẽ vào con hẻm – Nhà Tí kia rồi , nhưng sao hôm nay lại đông người thế kia . Trong cái xóm nhỏ nầy, bà con láng giềng gần nhau lắm , hễ có chuyện gì là nhà nào cũng biết và đều chạy sang chia buồn hoặc chia vui. Tí cảm thấy hồi hộp lạ thường . Hay là mẹ làm sao ? Tí vụt chạy thật nhanh . Có những ánh mắt nhìn theo Tí , một giọng nói của ai đấy đuổi theo Tí : chắc là nó mừng lắm . Một thằng bạn lối xóm của Tí từ nhà Tí chạy ngược lại hét to lên : Tí ơi! Bố mày về đấy , bố mày từ nước ngoài mới về rồi kìa ! Bỗng nhiên tim Tí nhói đau và đập liên hồi . Tí muốn khụy xuống , nhưng Tí cố chen vào để nhìn cho thật rõ bố : chính là người đàn ông mà ban sáng Tí chỉ đường . Tí chưa thốt ra lời nhưng trái tim củaTí đã gào lên sung sướng : bố ơi ! Vân Hà(T.T.H.A)