Search:
View  Edit  Attributes  History  Attach  Print  Search
Menu VH / MáThằngThệ

Menu

Options

edit SideBar

Má thằng Thệ

Mọi người trong xóm tôi – xóm Bà Hạt – gọi chị là Má thằng Thệ, riết rồi quen miệng, ai cũng gọi chị bằng cái tên ấy nên không ai biết chị tên thật là gì nữa. Dạo ấy tôi hãy còn nhỏ, tôi rất thích chị vì chị đẹp lắm. Một cô gái lai Pháp chính cống. Sóng mũi cao Tây phương, đôi mắt không mang màu xanh mà màu nâu thẫm rất dễ thương, nước da trắng mịn màng khiến ai cũng khen thầm, đôi môi trái tim lúc nào cũng đỏ thắm, chực cười… mà đúng như thế, chị lúc nào cũng cười với mọi người một cách vui vẻ, thân thiện nên tuy có nhiều người không ưa chị vì cái nghề “không vốn”, cũng đôi khi đáp lại chị bằng một nụ cười gượng gạo, nhạt nhẻo. Chị biết, nhưng vờ như không biết để có thể tồn tại ở trong cái xóm nhỏ nầy. Nhà chị ở cách nhà tôi một con hẻm nhưng chị hay bồng con ra nhà tôi chơi, hoặc ăn cơm. Dạo ấy nhà tôi hãy còn là một quán cơm bình dân ở ngoài mặt đường nhưng khách thì toàn là dân trong xóm nhỏ ra mua, có khi họ mua chịu hoặc mua những thức ăn rẻ tiền về cho gia đình để đở tốn tiền chợ nhiều hơn. Má tôi rất thương họ nên thường là cho họ mua thiếu, bao giờ lãnh lương thì trả, có khi má tôi còn cho luôn khi thấy gia đình nào quá khó khăn. Họ biết điều đó nên cũng quí má tôi lắm. Có những buổi tối khi quán má tôi sắp đóng cửa, họ vẫn còn ra xem còn có gì ăn được thì xin về cho các con hoặc để dành ngày hôm sau. Má tôi cho hết chứ không ngại họ chê khen…vậy mà cũng đã có lần tôi thấy má thằng Thệ ra nhà tôi ăn cơm trong buổi tối như thế. Trong xóm, chị là người ăn mặc sang trọng nhất. Lúc nào cũng quần trắng, áo hoa sặc sở, môi son má phấn như sắp đi dự đám cưới của ai đó. Người trong xóm thầm thì chị ta sống nhờ vào cái “vốn trời cho” và họ cũng tỏ ra xem thường chị bỡi vì chị là một cô gái lai mồ côi. Chị là con rơi, con rớt của một tên thực dân Pháp nào đó còn sót lại trên đất nước nầy . Không ai biết mẹ chị là ai và người ta cũng không cần tìm hiểu để làm gì, chỉ biết chị sống một thân, một mình kể từ khi đến ở cái xóm nầy. Chị đã bốn mươi tuổi nhưng trông còn trẻ hơn tuổi rất nhiều. Nhà chị chỉ có hai mẹ con, thằng bé Thệ được hai tuổi. Nó cũng bụ bẫm, dễ thương như bất cứ đứa bé con nào ở tuổi đó. Căn nhà chị đang ở là của một người đàn bà làm nghề đi buôn hàng chuyến ở các tỉnh. Bà ta rất ít khi ở nhà nên cho chị thuê để vừa có tiền thu nhập lại vừa có người trông coi nhà cho mình mà không phải mướn người lạ. Nghe đâu chị cũng có bà con xa với bà ấy. Nhà chị lúc nào cũng tấp nập khách khứa, khách đàn ông có, đàn bà cũng có…họ ra vào thường xuyên như đi chợ…lúc đầu tôi cũng ngạc nhiên không hiểu sao chị có nhiều bà con đến thế, dần dà tôi cũng hiểu các loại khách thường lui tới nhà chị, bỡi bà con trong xóm ai cũng đàm tiếu mỗi khi gặp nhau ngoài chợ hay có dịp đi chung với nhau một đoạn đường…nhưng rồi mạnh ai nấy sống, không ai buồn bàn tán làm gì nữa.

Người ta mặc nhiên công nhận chị là thành viên của xóm với cái nghề tự do của mỗi người. Lúc khá, chị cũng thuê một cô bé giúp việc để bồng ẩm bé Thệ cho chị rảnh tay làm việc. Cô bé độ chừng mười tuổi, hay bồng bé Thệ sang chơi với tôi. Thằng bé kháu khỉnh, mái tóc hoe vàng con lai, đôi mắt to, tròn, cái mũi tây phương rất đẹp, giống mẹ y khuôn… tôi biết chị yêu nó lắm mới giữ nó lại bên mình chứ còn những đứa khác chị đều đem bán lúc vừa lên vài tháng tuổi. Chị làm cái nghề không được quyền có con vì như thế là sẽ mất khách, là sẽ đói mà không có ai giúp đỡ, cho nên các đứa con của chị, đều phải xa mẹ khi vừa chào đời. Tôi không hiểu tại sao chị lại có thể đem bán đi đứa con mới rứt ruột đẻ ra của mình. Chị không yêu nó chăng ? nó là chướng ngại của chị trong cuộc mưu sinh trên đường sinh, tồn ? Nếu vậy, chị sinh nó ra để làm gì ? Cái đầu óc mười hai tuổi của tôi lúc đó thật không thể nào hiểu nổi tại sao trên đời nầy lại có những người mẹ như thế ? Nhưng theo má tôi thì có lẽ là vì giòng máu lai của chị ít tình cảm hơn những người khác. Giòng máu đã pha trộn của hai dân tộc không mấy gì thương yêu nhau, thậm chí còn thù ghét nhau nữa là đằng khác. Trong lúc cả nước đều sôi sục lòng căm thù bọn thực dân Pháp đã đặt ách thống trị lên dân tộc mình thì thử hỏi có ai mà yêu được những đứa con lai, kết quả của những oan trái, nghiệt ngã mà người mẹ phải gánh chịu vì một nguyên do bất trắc nào đó. Chị không bao giờ tâm sự với ai, cũng không bao giờ kể với ai về mình, mặc ai muốn hiểu sao cũng được. Những người đàn ông đến với chị đều ra đi sau đó và không một lần trở lại. Họ cũng không hề biết những đứa con của họ đã từng bị người mẹ bán đi để đổi lấy một số tiền tạm giải quyết cái đói của bao tử trong những lúc cùng quẩn. Cứ thế chị sống không cần ngày mai, miễn là hôm nay không đói là được rồi… Bé Thệ đã biết đi lẫm chẫm, mỗi khi cô bé người làm bồng sang nhà tôi, nó nghịch ngợm và chơi đùa vô tư cũng như bất cứ một đứa trẻ nào trong xóm. Tôi cũng yêu nó lắm, trẻ con mà…! Đứa nào cũng đáng yêu như nhau cả. Chỉ có một vài bà mẹ khác trong xóm là hay nhìn thằng bé một cách soi mói rồi xúm lại thì thào, bàn tán to nhỏ với nhau chuyện gì tôi cũng không biết nữa, nhưng nhìn ánh mắt của họ tôi biết họ không ưa gì mẹ nó. Có lẽ má thằng Thệ cũng biết điều đó nên chị cũng không chơi thân với ai, chỉ lặng lẻ một mình với con, hoặc bồng con sang nhà tôi chơi mỗi khi nhà vắng khách. Má tôi có lẽ là người biết yêu thương, thông cảm với hoàn cảnh của chị nhiều hơn là soi mói, ghét bỏ như những người khác trong xóm. Có hôm, trời tối mịt, chị mới bồng cháu sang nhà tôi ăn cơm, mà lại ăn chịu nữa, chị có vẽ ngần ngại nói với má tôi :

– Cháu xin thiếu bác vài hôm thôi, khi nào có tiền cháu sẽ đem qua trả ngay…

Má tôi không hề ngạc nhiên :

– Không sao đâu, má thằng Thệ cứ qua đây ăn bao giờ trả cũng được, đừng ngại…

Rồi má tôi lấy cơm dĩa cho chị ăn, không quên một chén cơm nhỏ cho bé Thệ. Nhìn hai mẹ con ngồi ăn ngon lành, má tôi an ủi :

– Ai mà chẵng có lúc buôn bán ế ẩm. Nhà bác đây cũng vậy, có những lúc ế đến độ muốn nghĩ bán luôn… nhưng nghĩ thì làm gì khác được đây… mà thôi, cháu đừng buồn, đừng nghĩ ngợi gì cả, khi nào kẹt cứ qua đây ăn cơm, bao giờ trả cũng được, bác không có đòi đâu…

Chị ứa nước mắt nắm tay má tôi :

– Cháu cám ơn bác nhiều lắm, nếu không có bác cháu cũng không biết phải nhờ ai, ai cũng ghét cháu hết, có lẽ là do cái nghề…nhưng cháu biết làm gì bây giờ…không học hành, không nghề nghiệp, không gia đình…

Má tôi an ủi :

– Con người ai cũng có số cả, đó là nghiệp quả đã an bày từ trước, có chăng là ngay từ bây giờ cháu hãy cố gắng sửa đổi bằng cách làm nhiều việc thiện để cải nghiệp dần dần thôi cháu ạ, có thế cuộc sống mới thay đổi tốt hơn sau nầy…

– Cám ơn bác, bác chẳng khác nào người mẹ thứ hai của cháu, mà cháu cũng chẳng biết mẹ đẻ của mình là ai nữa…

Chị rưng rưng nước mắt, những lúc như thế nầy, tôi thấy chị thật tội nghiệp, cứ như là một đứa trẻ con. Chị nắm lấy tay má tôi xoay xoay rồi ấp lên má mình, mĩm cười mà hai giòng nước mắt cứ chãy ra ràn rụa…Má tôi nắm tay chị không nói gì nhưng tôi biết má đang xúc động nói chẳng nên lời. Những gì má tôi đối xử với chị chẳng khác nào mẹ con.

Có một buổi sáng, má thằng Thệ vừa mở cửa ra thì bị một toán người lạ mặt xông vào túm đầu, túm cổ đánh cho một trận tơi bời. Cả xóm ra xem nhưng không ai dám bênh vực chị cả bởi chỉ là một vụ đánh ghen. Chúng xé quần, xé áo chị tơi tả, mặt mày bầm tím, sưng vù… rồi cũng có một người đàn ông, sau đó đã dìu chị đi bệnh viện băng bó lại các vết thương, và ông ta đã ở lại với chị dăm ba ngày chừng như để an ủi sự cố không may đó. Mọi việc qua đi trong sự khinh bỉ của những người đàn bà sống hạnh phúc trong xóm, bỡi đối với họ chị là tượng trưng cho sự đe dọa hạnh phúc của mọi người . Họ không thích giao du với chị vì hình ảnh của chị đã gợi cho họ những cuộc đánh ghen khủng khiếp mà họ luôn luôn đứng về phe của những người bị cướp hạnh phúc. Họ có biết đâu rằng chị cũng chính là nạn nhân của chồng họ, của những người đàn ông háo sắc tham lam, bất chính đó… cuộc đời vẫn cứ bình lặng trôi, cuốn theo nó là tuổi xuân, là lý tưởng, là hoài bảo, là mơ ước, là hi vọng và cả … tham vọng của chị, của mọi người trong xóm…bây giờ chị không còn trẻ nữa nhưng một mái ấm gia đình cũng không có, chỉ có bé Thệ là nguồn hi vọng duy nhất để chị cố gắng sống, tồn tại trên cõi đời nầy. Một hôm, tôi thấy chị bồng bé Thệ qua chơi với má tôi rất lâu, nước mắt chan hòa, chị nói với má tôi :

– Chắc cháu không giữ được thằng Thệ nữa rồi bác ơi…

– Sao vậy cháu ?

– Cháu thiếu nợ người ta nhiều quá, chắc không trả nổi. Họ cũng thích thằng bé, cứ đòi bắt con cháu để trừ nợ…

– Rồi cháu tính sao ?

– Chắc cháu phải xa con một thời gian đi kiếm tiền về chuộc nó lại bác ơi…

– Không còn cách nào khác sao cháu ?

Má tôi hỏi thế nhưng cũng thừa biết câu trả lời của chị, nhìn chị ôm bé Thệ trong tay mà nước mắt ràn rụa, tôi cũng muốn khóc theo chị. Tôi bế thằng bé để chị rảnh tay nói chuyện, tâm sự với má tôi. Đôi mắt nó tròn xoe nhìn tôi, miệng bi bô nói đủ thứ chuyện rất dể thương, nhưng tôi còn bận hóng chuyện của má nó nên chẳng hiểu nó nói gì. Chị nghẹn nào nói với má tôi :

– Bác ơi, cháu chỉ còn có nó là nguồn an ủi duy nhất, xa con chắc cháu chết mất…

– Hay là… cháu gửi nó ở đâu đó một thời gian để có thể đi làm kiếm thêm tiền mà trả cho người ta

– Cháu cũng nghĩ vậy, nhưng… biết làm gì bây giờ hả bác ? Có ai muốn mượn người làm đâu trong cái xóm lao động nầy ? Còn những chỗ khác, cháu đã hỏi nhiều chỗ rồi nhưng có ai muốn mượn một đứa con lai làm người giúp việc bao giờ…

Chị thở dài:

– Đời cháu sao khổ quá, mẹ cha chẳng có, gia đình cũng không, chẳng có ai là người thân hết bác ơi…

Chị khóc với má tôi hồi lâu. Má tôi cũng chẳng biết làm gì để an ủi chị bỡi má tôi cũng nghèo, con lại đông, ba tôi thì đang không có ở nhà…mấy mẹ con buôn bán để chờ ba về cũng đủ chật vật lắm rồi, làm sao mà dám cưu mang thêm ai nữa. Tuy thế má tôi cũng chia sẽ với chị :

– Cháu cứ tìm chỗ gửi bé Thệ đi, bao giờ không được thì gửi đây bác giữ cho một thời gian rồi sẽ tính tiếp…

Chị nắm chặt tay má tôi, nói trong nước mắt :

– Cháu vô cùng biết ơn bác, nhưng chắc là… cháu sẽ cố gắng để không làm phiền bác…

Rồi chị bồng bé Thệ ra về, má tôi nhìn theo ái ngại. Tôi cũng đưa chị đến đầu xóm mới trở lại.Kể từ hôm ấy , không ai nhìn thấy chị ở nhà đó nữa, chị đã trả nhà cho người chủ rồi bồng bé Thệ đi đâu không rõ. Vài năm sau, xóm tôi có người đi làm ở tận Vũng Tàu trở về kể rằng đã gặp chị, má thằng Thệ đang làm ở đó nhưng không thấy có bé Thệ bên cạnh. Ai cũng nghỉ rằng chắc chị đang gởi bé ở đâu đó để rảnh tay mà làm việc. Tôi và má tôi cũng nghĩ vậy, thế nhưng, sự việc không đơn giản như thế. Một hôm, vào khoảng mười giờ hơn, quán má tôi sắp đóng cửa thì má thằng Thệ ở đâu đó xuất hiện, đầu tóc rối bù, đôi mắt sưng húp, hai má bầm tím, người phờ phạc…chị hỏi má tôi có còn cơm không?má tôi lấy cho chị một dĩa cơm như thường khi, và nhìn chị ngồi ăn lặng lẻ không nói gì, thỉnh thoảng nhìn má tôi với đôi mắt ráo hoảnh, không một giọt lệ, nhưng má tôi biết khi nỗi đau khổ đến cùng cực thì người ta không thể khóc được nữa…ăn hết dĩa cơm, chị định cho tay vào túi lấy tiền nhưng chợt nhớ ra điều gì đó lại thôi, má tôi hiểu ý bảo chị :

– Thôi cháu, bác không lấy tiền đâu, cháu dạo nầy làm ăn thế nào ?…

Chị chợt òa lên khóc, nắm tay má tôi nghẹn ngào:

– Người ta bắt con cháu rồi bác ơi !

– Bao giờ ? bác cứ tưởng hai mẹ con đã được yên thân rồi chứ

– Cháu cố gắng hết sức vẫn không làm sao đủ tiền trả cho người ta, mẹ con cháu phải trốn ra tận Vũng Tàu, nào ngờ vẫn không được yên thân với họ… vừa rồi họ tìm thấy nên cho người đến đánh dằn mặt cháu một trận như thế nầy, họ bắt mất thằng Thệ rồi, chắc cháu chết mất bác ơi…!

Chị khóc như chưa bao giờ được khóc. Má tôi cũng chãy nước mắt theo chứ không còn biết dùng lời an ủi nào hơn. Đối với chị lúc nầy, mọi lời an ủi đều trở thành sáo rỗng, vô nghĩa mà thôi. Thấy chị đau khổ quá, má tôi bảo chị nghĩ lại một đêm ở nhà tôi vì má tôi biết chị cũng không có ai là người thân ở cái xóm nầy cả… để an ủi chị, má tôi kể cho chị nghe câu chuyện tiền thân của một người mẹ có hoàn cảnh giống như chị : vào thời Đức Phật còn tại thế…thuở ấy, có một gia đình mẹ góa ,con côi, nhưng rất khá giả. Cậu con trai tuy lớn tuổi nhưng vẫn ở một mình. Mẹ già thấy vậy khuyên con nên lập gia đình nhưng cậu vẫn chối từ, cậu ta vốn là một đứa con hiền lành và đạo đức. Nghe mẹ khuyên lơn mãi nên cậu ưng thuận, vâng lời, cưới một cô gái trong xóm. Nhưng hai, rồi ba năm trôi qua mà nàng cũng chẳng sanh nở gì. Người vợ bèn bàn với con cưới thêm vợ lẽ, kẽo sợ bị tuyệt tự vì cậu cũng đã khá lớn tuổi. Người vợ tình cờ nghe thấy, nàng nổi giận nhưng cố nén để suy tính thiệt hơn. Sự việc đã như thế thì nàng cũng chiều theo duyên số, nhưng nàng chủ động tìm người hiền lành rồi đứng ra xin cưới cho chồng. Nàng dự tính sau nầy, khi người vợ nhỏ sinh con thì với ân nghĩa đó nàng vẫn sẽ làm chủ gia đình, làm chủ cái gia tài kha khá của nhà chồng và nhất là quyền làm lớn để có thể chi phối mọi việc trong gia đình. Dần dần nàng hình thành một kế hoạch tinh vi hơn để trả thù lòng bội bạc của gia đình nhà chồng cùng người vợ nhỏ từ đâu bỗng dưng chen vào hạnh phúc của nàng. Nàng thường xuyên lui tới thăm nom lo lắng, đối với cô ta như một người chị ruột đối với đứa em gái. Nhất nhất mọi điều nàng ấy đều tâm sự với nàng vì nghĩ rằng được nàng thương yêu thật sự, nên cũng rất mến lại nàng, không hề dấu diếm điều gì. Khi có thai lần đầu đã mừng rở báo tin cho nàng hay, thế là nàng bí mật bỏ thuốc trụy thai vào thực phẩm mang sang bồi dưỡng cho thai nhi, và kết quả là nàng bị hư thai.

Lần thứ hai cũng tái diễn y như lần trước. Có lần, người vợ nhỏ tâm sự với các bạn gái của nàng về lòng tử tế của người vợ lớn và những lần hư thai của mình. Các bạn cô đồng loạt kết tội người vợ lớn và khuyên cô chớ nên tin vào lòng tử tế của bà ấy. Cho nên lần có thai thứ ba, cô âm thầm giử kín, không tiết lộ với bất cứ ai đến khi bụng cô khá lớn không thể che dấu được nữa. Bấy giờ người vợ lớn luôn ở cạnh cô giả vờ trách yêu tại sao không cho hay để tìm dịp hạ cái bào thai lần nữa. Lần nầy sự thành công của bà ta đã dẫn đến sự thiệt mạng của cả hai mẹ con bởi cái bào thai đã quá lớn rồi. Trước khi chết, người vợ nhỏ ráng thều thào vào tai người vợ lớn: nhà ngươi là con ác quỉ dã man đã hại chết ba con ta, giờ thì lại giết cả ta nữa. Thù nầy, ta quyết theo ngươi để báo oán tới cùng. Nguyền rủa xong, nàng tắt thở mang theo mối hận ngập lòng nên không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn ở lại trong gia đình đó để chờ dịp trả thù. Nàng đầu thai vào con mèo cái trong nhà. Còn người vợ lớn bị gia đình nhà chồng phát hiện đưa lên quan, bị khảo tra đánh đập nàng đã nhận tội và bị kết án tử hình sau đó. Do ác nghiệp đã gieo, nàng sinh vào kiếp cầm thú, làm con gà mái cũng trong gia đình đó.

Với kiếp tái sinh mới, cả hai đều trở thành thú, nhưng vì tâm sân hận hãy còn, con mèo cái vốn có tiền thân của người vợ nhỏ, và con gà mái, vốn là hậu thân của người vợ lớn, vẫn tìm cách trả mối thâm thù từ tiền kiếp. Khi gà mái đẻ trứng thì con mèo rình ăn sạch, cả ba lứa trứng đều bị như thế, nên con gà mái sinh lòng thù oán và trước khi chết cũng thề sẽ trả thù lại y như thế.

Chúng lại tái sinh trong kiếp thú rừng : Một con beo và một con nai. Cả hai cùng ở chung trong một khu rừng để theo sát nhau mà trả thù. Con nai ba lần sinh con đều bị con beo bắt ăn thịt đủ cả ba lần, nên trước lúc nhắm mắt nó nguyền sẽ trả thù tới cùng. Lần nầy con nai cái đầu thai làm nữ ác quỉ chuyên ăn thịt người. Con beo cái tái sinh làm một thiếu nữ, con gái một triệu phú gia ở vùng ngoại thành Xá vệ. Trong một buổi đi săn gặp nạn được quỉ cứu giúp, người cha đã lở hứa sẽ hi sinh đứa cháu ngoại còn sơ sinh để đổi mạng cho mình. Thế là, trước vẻ kinh sợ của đứa con gái, ông vẫn khăng khăng giữ ý định trao cháu cho quỉ dữ mặc cho con gái khóc lóc van xin thế nào cũng không được. Cuối cùng, cô đánh bạo bồng con chạy thẳng đến Kỳ Viên Tịnh Xá của Đức Thế Tôn, nhờ Ngài cứu giúp. Sau khi thuyết pháp và soi rõ tiền căn, nghiệp chướng của hai người Đức Thế Tôn đã hóa giải được mối hận thù của hai người đàn bà trong bao nhiêu kiếp. Từ đó, con quỉ dữ trở vào hang động tu hành không ăn thịt người nữa, sau khi được Phật thu phục cảm hóa. Nó đã ý thức được thế nào là điều phục tâm ý lại cho thiện lành để chuyển nghiệp…

Câu chuyện tiền thân là như thế, má tôi đã kể cho má thằng Thệ nghe để an ủi chị, để chị bớt đau khổ khi bị người ta bắt mất con, để chị thấy được một phần nào nhân quả nghiệp báo của mỗi người. Đó là biệt nghiệp của từng người khác nhau trong cái cộng nghiệp làm người giống nhau ở hiện kiếp. Tôi không hiểu chị có hiểu điều má tôi muốn nói với chị không nhưng tôi thấy chị đã bớt khóc khi má tôi kể xong câu chuyện tiền thân đó, rồi chị từ biệt má tôi ra đi….

Cho đến bây giờ, đã ba mươi năm trôi qua, tôi đã có chồng, có con đều lớn cả rồi, vậy mà chưa bao giờ tôi có dịp gặp lại má thằng Thệ để hỏi thăm xem bây giờ chị sống ra sao? chị có chuộc lại được con không? Nếu gặp lại, cho dù chị có thay hình đổi dạng như thế nào, thì tôi cũng sẽ nhìn ra ngay được chị cho mà xem…

Vân Hà (TTHA)