View Edit Attributes History Attach Print Search | ||
Menu | VH / CUỘCSỐNG | |
Menu
Options |
Cuộc sốngSáng nào cũng vậy , cứ 5g 3O là tôi đánh thức các con dậy để chuẩn bị . Trong khi hai đứa lớn làm vệ sinh thì tôi cho đứa bé nhất ăn bột – cháo sườn hoặc bánh canh tuỳ theo cô bán hàng ở gần đó . Các con tôi hãy còn nhỏ lắm . Đứa lớn nhất :lớp một , đứa kế : mẫu giáo và đứa bé nhất :nhà trẻ. Mỗi ngày tôi phải đưa chúng đến ba nơi khác nhau trước khi đi làm .Có hôm kịp giờ :nếu chúng ăn, uống và vệ sinh đúng theo dự tính . Có hôm trễ năm ,ba phút nếu có một đứa trong bọn nhõng nhẽo không chịu ăn nhanh . Riết rồi cũng quen tuy khá vất vả . Tôi tập cho chúng làm việc theo đồng hồ bởi giờ giấc của cả mẹ lẫn con đều đã được quy định rồi . Không thể sớm hơn cũng không được trễ hơn vì nếu sớm hơn thì không ai quản lý chúng , còn nếu trễ hơn thì tôi không thể quản lý được đám học trò của tôi đang mở to mắt chờ đợi côvào. Nhưng sinh hoạt của mẹ con tôi cũng có khi không đều đặn và cứng nhắc như đồng hồ .Đó là những lúc chúng đau ốm bất thường . Thế là hôm đó cả ba mẹ con cùng nghỉ ở nhà để trông nhau. Thế là ngày công tôi bị trừ 5 điểm trong tháng đó .Và thế là mọi việc kiếm cơm , kiếm gạo phó mặc cho bố chúng chạy vạy , lo toan . Bố – mẹ đều là giáo viên , lương tháng chỉ đủ đóng tiền học cho các con , thế nên ngoài việc đi dạy học cả bố và mẹ đều phải kiếm thêm một nghề tay trái nào đó để cái gia đình nhỏ bé nầy có thể tồn tại với cuộc đời , với cuộc sống vốn tươi đẹp nầy . Thỉnh thoảng , tôi vẫn tự mỉm cười chịu đựng khi nhớ lại lời của thủ trưởng mình : các đồng chí cứ “chân trong chân ngoài” như thế thì làm sao lo cho chuyên môn được ? Qủa có thế thật , còn năm phút nữa hết tiết học thì tôi đã phải nghĩ đến việc lo miếng ăn cho gia đình rồi . Có hôm đầy đủ , nghĩa là không phải lo mượn gạo thì phải di vay tiền đóng học phí cho con - Bởi lương tháng đó quá trễ .Thế nhưng đó chỉ là việc riêng chứ không phải việc chung !Vâng ,đúng vậy. Tôi và nhà tôi đều không hề phàn nàn hay oán trách …số phận bao giờ . Cứ coi như ông trời thử thách sức chịu đựng của mỗi con người vậy mà. Ngày xưa , khi còn đi học , tôi vẫn thích các tác phẩm diễn tả “một túp lều tranh ,hai quả tim vàng” và cho rằng điều đó thật đơn giản và không có gì nghịch thường cả. Thậm chí đó còn là quan niệm sống lý tưởng , tuyệt vời nữa. Bây giờ , chính mình phải thực nghiệm đời mình bằng quan niệm sống đó , tôi thấy hạnh phúc sao mong manh quá ! Nó có thể vỡ tan bất cứ lúc nào nếu như một trong hai quả tim vàng đó vướng phải một chứng bệnh nan y ! Tiền bồi dưỡng còn không đủ , nói chi đến tiền thuốc thang ? và như thế thì hạnh phúc thật mong manh như giọt sương trên lá , dù rằng nó rất đẹp , rất tuyệt vời ! Nó vẫn có một giá trị nào đó đối với các văn gia , thi sĩ , nhạc sĩ và nhất là kịch tác gia . Không thế mà bi kịch thường để lại dấu ấn sâu đậm hơn là hài kịch đối với khán giả . Đúng không các bạn ? Có những hôm đi dạy về tối mịt – nhưng tôi vẫn an tâm vì đã dặn bố chúng đón về trước – lại đang mùa mưa – Tôi không thể nào tưởng tượng nổi một hoạt cảnh bi hài diễn ra trước mắt :dưới nền nước ngập gần tới chân giường . Bố đang cắm cúi xếp thuyền bên cạnh nồi cơm mới bắc lên bếp .Các con thi nhau thả thuyền trôi lềnh bềnh khắp nhà cười ròn rã mỗi khi thuyền của một đứa bị lật úp . Tôi định la toáng lên như mọi khi nhưng … gần như cùng cực của nỗi khổ , người ta sẽ không còn sợ khổ nữa , tôi cũng vất túi xách lên giường rồi thay vội cái áo , rồi xắn quần lên đi nhặt những cái thuyền bị lật úp cho các con , tôi còn xếp thêm cho chúng nhiều kiểu thuyền mới lạ hơn nữa , và nhìn chúng hồn nhiên cười đùa quên cả đòi ăn như mọi khi – tôi thấy lòng ấm lại . Hạnh phúc là thế đấy – một thoáng thôi bằng cả một đời người cố công vun bón . Nhưng nếu không khéo giữ gìn , hạnh phúc sẽ trở thành sương khói : vỡ tan ngay – ngược lại dù chỉ là một phút dây ngắn ngủi nhưng nếu chúng ta ý thức được nó bằng cả trái tim trọn vẹn – nó sẽ có giá trị vĩnh cửu chẳng phải bằng cả một đời người mà bằng sự tiếp nối từ nhiều thế hệ … mãi mãi như thế . Không có một đứa trẻ nào buồn và mất quân bình tâm lý khi cha mẹ chúng nghèo cả . Chỉ có sự tranh chấp , cãi vã của cha mẹ là luôn luôn để lại trong tâm trí chúng những nỗi tuyệt vọng và mất tin tưởng ở người lớn . Bởi khi cha và mẹ bất hoà , chúng dường như bị xé ra làm đôi , chúng luôn bị giằng co vì không thể bênh ai , bỏ ai . Chúng cũng không muốn có một người thứ ba chen vào giữa bố mẹ chúng . Bởi đối với chúng bố mẹ là tuyệt đối . Nếu đúng như thế thì sau này lớn lên chúng sẽ là những thanh niên thiếu nữ đầy lạc quan tin tưởng cuộc sống dù chúng có đôi lúc lâm cảnh bần hàn , túng quẫn . Nhưng nếu không đúng như thế thì sau nầy lớn lên , chúng sẽ là những người bi quan , yếu thế luôn luôn hoài nghi bất cứ người bạn nào đến với chúng , dù họ có thật lòng – và nhất là chúng sẽ mất tin tưởng ở người lớn . Chúng sẽ hỗn láo , mất dạy và đôi khi trở thành tệ nạn xã hội nữa . Tôi có một người bạn gái, hồi còn ở trung học , nó và tôi ngồi cạnh nên rất thân nhau . Tôi vẫn thường ngạc nhiên khi thấy nó rất khinh ghét bạn trai trong lớp . Nó vẫn thường tâm sự với tôi là lớn lên nó sẽ không lấy chồng . Mỗi khi đến nhà tôi chơi nó chỉ chào má tôi chứ không hề chào ba tôi . Có đôi lúc nó bị hư xe , anh tôi bảo để sửa giúp nhưng nó nhất định không cho rồi giận dữ dắt xe đi bộ về nhà , không cần tôi đưa tiễn một quãng đường như mọi khi . Nói chung tâm lý cô nàng hết sức là bất bình thường . Khi đến nhà chơi tôi mới biết nguyên do khiến cho bạn tôi trở nên kỳ quặc như thế :ba nó có gia đình riêng còn mẹ nó chỉ là vợ lẽ một cách lén lút . Thảo nào chẳng mấy khi tôi đến chơi gặp cả ba mẹ nó , hay nếu có thì cũng là lúc ba nó đang vội vã ra đi . Tôi kể cho mẹ nó nghe về tính tình khó hiểu của nó thì bà chỉ cười buồn : - ỐI , cháu chỉ thấy nó đối xử với người ngoài như thế mà đã ngạc nhiên chứ bác còn phải đau lòng biết bao khi thấy nó gần như có ý xua đuổi cha nó . Tuy không nói ra nhưng mỗi khi ông ấy đến là nó kiếm cớ đi sang nhà bạn mượn tập để không phải trả lời những câu hỏi của cha nó .Thâm chí khi ông ấy ra về là nó đóng sầm cửa lại , rồi giận dữ cả với tôi suốt một ngày . Nó còn bảo là : mẹ nói ông ấy đừng đến đây nữa , con không thích – Nhưng ông ấy là cha mầy ? Cha gì? Có cha như thế thà không có còn hơn . Con không giám ngẩng mặt nhìn ai hết – lũ bạn con mà biết chúng nó sẽ không đứa nào chơi với con hết .Con không cần ông ấy đến đây nữa . Con sẽ nghỉ học, để buôn bán nuôi mẹ . Từ rày mẹ đừng nhận gì của ông ấy nữa cả . Con van mẹ đấy…Thấy nó như thế tôi cũng không nỡ la rầy , chỉ biết là lỗi tại người lớn đã làm cho nó mất niềm tin. Tôi biết điều đó nhưng tôi càng thương bạn tôi hơn chứ không hề có ý ghét bỏ như ý nghĩ sai lầm của do suy luận nông cạn mà ra .Còn người mẹ , chắc xưa kia bà nào khác chúng tôi hiện nhưng tại sao ? tại sao? Không ai trả lời câu hỏi này được hết. Chắc là do duyên số ? chắc là do một phút sai lầm hay là do số phân hẩm hiu đưa đẩy ? Cái số phận ấy thật mơ và cũng thật nghiệt ngã vô chừng . Cũng như tôi ngày xưa , có bao giờ tôi nghĩ đến hôm nay các con tôi cảnh thiếu thốn như thế này bởi bố mẹ chúng nghèo , quá nghèo để có thề cho chúng một cuộc sống đầy đủ hơn .Không phải “ chạy ăn từng bữa toát mồ hôi ” như thế này nữa . Tuy nhiên, có một điều tôi cảm thấy tin tưởng ở tương lai là các con tôi vẫn ngoan và bố chúng rất yêu chúng .Cái nghèo làm cho con người càng vất vả thì khi thành đạt người ta mới thấy được giá trị tinh thần của cuộc sống , của kiếp người . Tôi nghĩ thế và lặng lẽ chất thêm củi vào bếp trong lúc nhà tôi bắt đầu lau chén bát , các con tôi vẫn hồn nhiên xếp thuyền , cười giỡn ròn rã . Ngoài kia , trời ngớt mưa rồi tạnh hẳn . Trong cái xóm lao động nầy , không riêng nhà của chúng tôi mà gần như khắp xóm , nhà nào cũng bị ngập nước như thế này cả . Những ngày mưa đầu chúng tôi còn chịu khó tát nước . Cha ,con , chồng vợ mỗi người một xô , một lon hì hục tát nước ra đường , nhưng vì nền nhà thấp nước lại tràn vào như cũ , riết rồi cũng quen , không ai tát làm gì cho mệt , chờ tạnh mưa một chút là tự nhiên nước sẽ rút ngay . Cũng thế , mọi nỗi khổ rồi sẽ qua đi nếu chúng ta ráng chịu đựng để tìm cách vươn lên – tôi nghĩ thế . Vân Hà (T.T.H.A) |
|
View Edit Attributes History Attach Print Search Page last modified on July 15, 2015, at 01:42 PM |