Search:
View  Edit  Attributes  History  Attach  Print  Search
Menu VH / CÁIMÁYGIẶT

Menu

Options

edit SideBar

Cái máy giặt

Gia đình cô chú phải nói là trẻ , rất trẻ , trẻ nhất trong xóm tôi . Vợ :22 tuổi , chồng : 25 tuổi . Họ mới lập gia đình hơn một năm và sinh được một cháu trai , thằng bé rất lanh lợi và kháu khỉnh . Cả hai người cùng là giáo viên – vợ : dạy toán , chồng :dạy thể dục ở một trường cấp 2 nào đó . Chưa bao giờ tôi thấy cô chú cãi nhau , họ ở chung với mẹ già , bà ngoại của cháu bé . Họ sống rất hoà thuận và hạnh phúc đến nỗi bà con trong xóm đều thấy rõ và luôn khen ngợi , nêu gương trong các buổi họp tổ dân phố . Cuối năm , dĩ nhiên là gia đình nhỏ bé ấy đạt danh hiệu gia đình gương mẫu và cô được tặng giấy khen “phụ nữ đảm đang , nuôi con khoẻ dạy con ngoan ”.Ông xã tôi vẫn thường bảo :

- Em thấy chưa ? gia đình người ta là như thế còn mình thì sao ? Em cứ luôn to tiếng với anh và con chỗ không người . Thế nhưng bà con cũng biết hết . Em liệu mà sửa đổi tính tình cho anh và các con nhờ .

Tôi hét tướng lên như mọi khi :

- Thế bà con có phục vụ cha con anh như tôi không ? Nào ăn uống , giặt giũ , đi chợ , nấu cơm … một trăm thứ bà rằn … đổ vào một mình tôi cả . Đưa các con đi học : cũng tôi, đưa các con về : cũng tôi . Ai ủi quần áo cho cha con anh mặc ? Ai dọn dẹp nhà cửa , chén bát…

- Thôi …thôi , cho anh xin . Em nhìn ra cửa xem, người ta bu lại xem chuyện gì xảy ra rồi kìa .

Tôi phì cười :

- Chứ anh nghĩ xem . Người ta khác , mình khác . Người ta chỉ mới có một con còn mình những ba đứa , công việc phải nhiều gấp ba lần . Gia đình người ta có của nước ngoài – còn mình , chỉ sống bằng đồng lương nhà nước . Anh lại còn so bì , bảo sao em không tức ?

Ông xã tôi nhỏ nhẹ:

- Anh so bì gì nào ? Anh đâu có so bì về tiền bạc . Anh chỉ muốn gia đình mình dù nghèo , dù vất vả nhưng đừng bao giờ to tiếng với nhau . Em chỉ được cái ào ào là không ai bằng .

- Đúng rồi , đúng rồi , bố nói đúng rồi đó mẹ .

Ba đứa con tôi nhao nhao bênh bố . Tôi mím môi , trợn mắt nhìn chúng :

- A! chúng mày chỉ được cái nịnh bố là không ai bằng . Được rồi trưa nay mẹ sẽ bỏ đói chúng mầy…

Tôi nói thế nhưng trong thâm tâm tôi cũng biết là mình hơi quá đáng . Tuy nhiên nếu có nhượng bộ bố con nó thì là lúc khác chứ không phải lúc nầy . Tôi vẫn hay cố chấp như thế đấy . Sáng nào cũng vậy , khi tôi dắt xe ra đi làm là thấy chú đi mua quà mang về cho vợ con , chả bù cho ông xã tôi – chả mấy khi – Anh ấy vẫn ngại bà con lối xóm cười – rằng việc ấy không phải của đàn ông . Chiều nào cũng vậy nhìn chú giặt đồ cho gia đình là anh ấy nhăn mặt :Anh chịu thôi – em đừng hy vọng anh có thể làm được việc đó . Bù lại , em có thể nhờ anh bất cứ việc gì – nặng nhọc , khó khăn đến đâu anh cũng sẽ hoàn tất cho em cả .Tôi cười nhẹ , không cãi vì tôi biết anh ấy chỉ nói thế thôi .Chứ công việc nào mà đã được anh ấy xếp vào loại “công việc của đàn bà” thì đừng hòng anh ấy làm . Cái quan niệm “phong kiến” kia không biết anh ấy có từ bao giờ mà nó đã bắt rễ ăn sâu vào từng nếp nghĩ , cách biểu lộ hằng ngày của anh . Riết rồi cũng quen , việc ai người ấy làm miễn là chu toàn thì rồi đâu cũng vào ấy cả. Tôi vẫn thường bảo anh : anh sẽ chẳng bao giờ đạt danh hiệu “người chồng giỏi toàn diện” cả , nếu như anh không bỏ cái lối nghĩ “phong kiến” ấy . Ông xã tôi cười thật tươi :

- Anh rất vui lòng nhường danh hiệu ấy cho ông bạn láng giềng của anh . Chú ấy thật xứng đáng là người đàn ông lý tưởng của các cô . Giọng nói của anh pha chút dí dỏm khiến tôi không biết anh ấy nói thật hay nói đùa nữa .Tuy nhiên tôi vẫn thấy cả hai chúng tôi đều phải học tập cách sống hoà thuận hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ kia . Mình phải bớt to tiếng và nhẫn nại hơn nữa .Tuy có vất vả , cực khổ nhưng vẫn còn hơn nhiều người không nhà , không cửa . Vậy thì nếu có điều gì bực bội hãy cố gắng chịu đựng để cho anh ấy và các con vui. Tôi vẫn thường tự nhủ mình như thế nhưng rồi tôi cứ vi phạm hoài . Sau đó là tự mình sám hối. Không biết bao nhiêu lần . Hôm kia , khi tôi đi làm về , thấy nhà cô chú rất đông người lối xóm đứng xem . Chưa bao giờ có hiện tượng nầy kể từ lúc cô chú về đây. Con tôi chạy ra dắt xe cho mẹ , vừa thì thầm :

- Mẹ ơi !cô chú ấy đánh nhau . Mẹ vào can đi không chú ấy đánh cô dữ lắm . Tôi nửa muốn vào can , nửa muốn làm ngơ vì …thật khó lòng khi phải xuất hiện vào cái lúc mà vợ chồng người ta đang bất hoà . Nhưng nếu làm ngơ thì cũng không đành lòng – ông xã tôi khuyến khích :

- Em nên vào can cô chú đi . Em là bạn gái với cô ấy , dễ hơn anh .Cần tế nhị một chút thôi mà .

Tiếng loảng xoảng của đồ đạc bị ném vỡ làm tôi cuống cuồng chạy vào nắm lấy tay cô :

- Thôi nào , có chuyện gì từ từ giải quyết – cho tôi xin can – cho chú làm cho thằng bé sợ chết khiếp lên rồi kìa .

Qủa thật,tội nghiệp thằng bé con – Nó đang đứng khép mình phía sau cánh cửa , đôi mắt mở lớn – khiếp sợ – không giám vòi vĩnh như mọi khi . Cô có vẻ dịu đi , phân bua với tôi :

- Ai mà chịu nổi – chị xem – em cũng đi làm về mệt . Mọi hôm anh ấy vẫn giặt lấy quần áo . Thế mà hôm nay lại mắng em không giặt đồ, về muộn …lại còn lớn tiếng và giở thói vũ phu

Chú không nói gì , lẳng lặng bỏ đi lên gác . Thằng bé len lén nhìn mẹ rồi đi theo bố . Chắc hẳn nó nghĩ rằng mẹ nó đã có tôi an ủi. Tôi nói như bà cụ non :

- Thôi, “một câu nhịn chín câu lành” – Chú ấy có gì không phải thì cô cũng cứ bỏ qua kẻo bà cụ và cháu buồn . À , mà bà cụ đâu rồi nhỉ ?

- Mẹ em đi qua nhà anh cả rồi. Nếu mẹ có nhà chắc không đến nỗi . Mọi khi em vẫn nhịn luôn – anh ấy được thể làm tới …

Tôi trở về nhà sau khi đã giúp cô thu nhặt mảnh vỡ của ly tách cho gọn lại . Đấy là lần đầu tiên gia đình cô chú bất hoà . Theo tôi , thì sự có mặt của những người già thật có ích cho gia đình trẻ . Cái danh hiệu mà cô chú đạt được có lẽ nên trao tặng cho bà cụ thì đúng hơn . Cách ba hôm sau , buổi tối – tôi đang xem ti vi thì con tôi vào nói nhỏ :

- Mẹ à , nhà cô chú mới mua một cái máy giặt đẹp lắm .

Ông xã tôi nhìn họ khiêng cái máy giặt vào nhà với ánh mắt cảm thông sâu sắc , anh mỉm cười bảo tôi :

- “ Thần hạnh phúc” đấy em ạ- chắc cô chú sẽ không còn gấu ó nhau vì công việc nữa . Từ nay đã có anh chàng “máy giặt” làm thay cho chú ấy rồi .

Tôi cũng phụ họa :

- Thế thì anh mua cho em một cái đi , em sẽ hết to tiếng . Gia đình ta sẽ đăng kí thi đua “ba tốt” , “năm tốt” gì em cũng chịu hết .

Tôi nhìn anh – anh nhìn tôi . Cảm thông – không nói , nhưng đều hiểu rằng cái điều kiện để có được hạnh phúc ấy đối với chúng tôi thật khó mà thực hiện .

Vân Hà (T.T.H.A)