Search:
View  Edit  Attributes  History  Attach  Print  Search
Menu Main / ThưGửiHọcTròCũ

Menu

Options

edit SideBar

Thư gửi học trò cũ

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo 141 | NGÀY NHÀ GIÁO 20-11 | NGUYÊN CẨN

Thư gửi học trò cũ

Xuân Mai thân mến,

Tuy còn hai tuần nữa mới đến Ngày Nhà giáo mà đã nhận được thư của em gửi sớm, Thầy rất vui khi vẫn còn được học sinh Sư phạm ngày xưa nhớ đến dù đã 29 năm kể từ ngày các em tốt nghiệp. Thầy được biết bạn bè em một số đã về hưu vì nhiều lý do: sức khỏe, căng thẳng, hay thậm chí vì không còn hứng thú với nghề nghiệp (!). Đó là một điều đáng buồn. Vì sao đã 30 năm qua chúng ta không thể đem lại niềm vui cho nghề dạy học, cho người dạy và cả cho người học? Vì sao trẻ thơ hôm nay vẫn thèm “mơ thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mà lại như một đàn bò sữa gặm cỏ cháy theo ngôn ngữ của một nhà văn ngày xưa?

Qua thư, em trăn trở nhiều điều, từ việc nhà trường tổ chức dạy thêm tràn lan rồi lại cấm giáo viên dạy thêm ở nhà, mà theo lời ông Hiệu trưởng là tuân thủ mệnh lệnh của Đảng và Nhà nước (?). Đó là nỗi buồn riêng của em nhưng có những nỗi buồn chung khi lương thầy cô giáo Việt Nam đang thuộc loại thấp nhất trong bậc thang cả nước. Một sinh viên mới ra trường hồ hởi về một ngôi trường ngay tại TP. HCM (chứ không phải huyện Diên Khánh xa xôi của em) cũng chỉ nhận mức lương một triệu hai mỗi tháng (lương một cô bán café tử tế hiện nay ở thành phố này cũng đã từ hai triệu rưỡi đến ba triệu). Biết nói sao bây giờ khi ngân sách giáo dục có hạn trong khi ngân sách chung có khi đang sử dụng cho những công trình… vô hạn. Học sinh cũng vậy: mất hứng thú trong học tập khi phải đối phó với hàng loạt kỳ thi, từ tiểu học đã cõng hàng năm bảy ký sách đến trường, tỷ lệ cận thị 38%, vẹo cột sống vài chục phần trăm. Hệ lụy là trí tưởng tượng tuổi thơ, niềm đam mê sáng tạo đầu đời đã héo khô, tàn lụi. Ta mơ gì có những thiên tài ngạo nghễ đạp lên trên lề thói và quy ước như Steve Jobs, Bill Gates…? Còn có những nỗi buồn chung khác hay không, khi trẻ em nhiều nơi, như ở Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa… vẫn phải bơi qua sông đến trường. Thầy đã ghi vội những dòng cảm xúc trong một bài thơ, trích cho em nghe hai đoạn:

Lịch sử đi về suốt bốn ngàn năm
Qua những chiếc cầu còn chưa kịp bắc
Qua những bản làng chênh vênh lay lắt
Những Khe Rào chìm khuất cuối chân mây
Ai một lần ghé lại trường em đây
Chiều Trọng Hóa thầy cô không về vội
Những em nhỏ giữa sân trường, rất tội!
Về chưa em, mai sớm lại qua sông?
(Ngày khai trường)

Nhưng em ạ, trong thư, ngoài những trăn trở, thầy cảm nhận em còn yêu nghề lắm. Thầy hiểu, dù thế nào đi nữa, 29 năm qua với em cũng là một đoạn đời dài đầy kỷ niệm buồn vui và em vẫn còn gắn bó với nghề. Em đã như một số các bạn cùng trang lứa trở thành cánh chim đầu đàn trong tổ bộ môn của mình, đã là cô giáo được đồng nghiệp và học sinh cũng như phụ huynh quý trọng. Điều ấy làm thầy luôn tự hào khi nghĩ đến các em.

Nhân đây thầy muốn nhắc lại một đoạn thư năm ngoái Thầy gửi cho Ánh Hồng, bạn cùng lớp của em, khi thầy đọc một cuốn sách của Ken Bain, What The Best College Teachers Do. Tác giả đã nghiên cứu một số sinh viên và tìm hiểu về những nhà giáo ưu tú, những người mà phong cách giảng dạy cũng như bài giảng của họ đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời sinh viên. Tác giả nhận thấy rằng những nhà giáo ưu tú (không cần ai phong tặng) này có ba điểm chung. Thứ nhất là họ luôn tìm phương pháp thúc đẩy việc học của sinh viên, luôn tìm phương pháp mới mẻ để tạo hứng thú cho sinh viên. Em hãy nhớ nếu không đem lại niềm vui trong giờ giảng, không giúp học sinh đưa bài giảng vào thực tế áp dụng thì thầy cô giáo còn thua chiếc máy vi tính có bộ nhớ bé nhất. Thứ hai là họ không bao giờ đổ lỗi cho sinh viên về những khó khăn hay trở ngại mà họ gặp phải. Nếu sinh viên thi rớt hay làm bài không đạt, họ đều cảm thấy trách nhiệm thuộc về mình. Thứ ba là họ luôn duy trì sự trao đổi với đồng nghiệp về việc giáo dục thế nào là hiệu quả nhất và không bao giờ tự mãn hay hài lòng với những gì đã đạt.

Thầy tin em vẫn còn nguyên niềm đam mê tri thức khi vẫn hỏi Thầy về những quan điểm và phương pháp mới về việc giảng dạy tiếng Anh trên thế giới hiện nay. Em vẫn nghiên cứu cách truyền thụ dễ hiểu nhất, ngắn nhất đến học trò qua những bài tổng kết, những ví dụ sinh động. Niềm yêu nghề, hay đúng hơn, yêu người, vẫn còn nồng ấm trong em…

Mình phải làm chủ hoàn cảnh

Cho phép thầy nhấn mạnh đến cụm từ trên vì em sẽ nói, “Không dễ đâu Thầy ơi, chúng ta chỉ là những viên đá nhỏ trong dòng xoáy cuộc đời thôi”. Đúng, nhưng viên đá có số phận của nó, có lương tri để suy nghiệm. Có một vị thiền sư nói: “Một ngày 24 giờ đồng hồ không nắm được tôi, nhưng tôi nắm được 24 giờ một ngày”. Đó là vì ta ở trong cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm cho chìm đắm. Thầy không dám ví chúng ta như hoa sen vì hơi cường điệu nhưng hãy nhủ lòng như thế…

Khi sen hồng mới nở
Nụ đời ơi thơm quá!
(Trịnh Công Sơn)
Đó chính là con người “vô sự”, con người tự do, con người có kiến giải chân chính. Chúng ta không cần đóng kịch, không cần chạy theo hay khoác lên mình những danh hiệu Nhà giáo Ưu tú hay Nhà giáo Nhân dân hay gì gì đi nữa. Chúng ta dạy học và cảm nghiệm niềm vui từ học trò, uốn nắn các em bằng cái tâm chân thật trong hoàn cảnh hiện tại còn đầy rẫy bất công và nhiễu nhương, khi giá trị đạo đức đang bị xói mòn, xâm thực dữ dội. Hơn lúc nào hết, ta phải “trụ” vững trong gió bão của suy thoái kinh tế toàn cầu, suy thoái nhân luân của xã hội…

Theo ngôn ngữ của Tổ Lâm Tế thì “Tùy xứ tác chủ, lập xứ đắc chân”; ở đâu và hoàn cảnh nào, ta vẫn cứ là ta, làm chủ hoàn cảnh và có khả năng sống với con người thật của mình.

Thầy vẫn tin rằng em có đủ nghị lực vượt qua như đã từng suốt 29 năm qua. Đất nước này đã tồn tại bao năm cũng nhờ ngọn lửa yêu thương và trí tuệ ấy. Thể chế nào thì cũng chỉ là chứng nhân của một thời nhưng phẩm chất con người thì muôn đời bền vững …

Hãy vào lớp và vui cùng học sinh trong Ngày Nhà giáo Việt Nam, có người gọi đó là Lễ Tri ơn thầy cô. Khi cài một đóa hoa vào ngực, em hãy thấy dấu ấn còn để lại trong tim là ngọn lửa tin yêu vào sứ mệnh thiêng liêng của một “người truyền lửa”, người gieo hạt nhân văn trên cánh đồng nhân loại.