Search:
View  Edit  Attributes  History  Attach  Print  Search
Menu Main / NếuLãngQuênLịchSử

Menu

Options

edit SideBar

Nếu lãng quên lịch sử

NGUYÊN CẦN (Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo 135)

Lang quen lich su

Tuần trước, trong lúc nói chuyện ngoài lề với một nhà kinh tế người Mỹ sau buổi làm việc, khi tình cờ đề cập đến một số tình hình chung và riêng trên thế giới và ở Việt Nam, đặc biệt là những diễn biến gần đây về sóng gió Biển Đông, ông ta nhận định: “Nếu không học lịch sử, người ta sẽ lặp lại sai lầm. Các nhà lãnh đạo, nước lớn cũng như nước nhỏ, phải nhớ rằng, kẻ dấy lên can qua bao giờ cũng thất bại dù lúc khởi đầu cuộc chiến vao mạnh đến đâu đi nữa. Hãy đọc lại lịch sử những cuộc chiến của Thành Cát Tư Hãn đến Napoléon, hay gần đây là Thế chiến thứ I và II ”.

Một thảm họa thi cử ?

Chợt liên tưởng đến kỳ thi đại học năm nay với hàng nghìn bài thi môn Sử bị điểm 0 khiến dư luận xã hội và những người trong ngành giáo dục đều một lần nữa sửng sốt đến mức bàng hoàng. Có người còn nhấn mạnh “ Đây là một vấn đề nhức nhối của thời đại ”.

Vì sao ư ? đã có nhiều nguyên nhân được nêu ra. Rằng Sử chỉ là môn phụ: rằng học sinh dành công sức cho các môn toán lý hóa nhiều quá, không có thì giờ học bài. Có người còn thực tế hơn, như một vị phụ huynh ở Hà Nội được báo Dân Trí dẫn lời, cho rằng muốn sau này con em có công việc ổn định thì phải định hướng cho chúng học các môn thi khối A hoặc khối D để còn có thể thi được nhiều trường đại học, chứ những môn xã hội như Lịch sử thì ngàn đời cũng chỉ thế, và có ai bịa thêm lịch sử đâu mà phải học nhiều. Báo Dân Trí cũng nêu lên nhận định bi quan của một vị giáo viên dạy Sử ở trường Trung học Phổ thông Thanh Chương tỉnh Nghệ An rằng: chính phải học quá nhiều về môn Văn , Toán , Ngoại ngữ đã khiến học sinh chỉ học Sử để đối phó với thi cử ; chứ nhận thức học sử để làm gì thì chẳng bao giờ các em quan tâm, và mặc dù giáo viên đã hết sức cố gắng truyền tải kiến thức lịch sử cho các em thì sự thờ ơ của nhiều học sinh khiến cho giáo viên có nhiệt huyết lắm rồi có lúc cũng có ngày chán .

Thực ra, tình trạng xã hội thờ ơ với môn lịch sử không phải là điều mới lạ và đã được báo chí nói đến từ năm 2005. Báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 2-8-2011 dẫn báo Tuổi Trẻ ngày 4-8-2005 cho biết kỳ thi đại học năm đó có tới 59 % dự thi vào khối C đạt điểm thi môn sử dưới 1 và chỉ có 9,7 % số bài làm được điểm trên trung bình. Bài báo cũng nhắc lại rằng lúc bấy giờ giáo chức giáo dục tại TP. HCM đã phải tổ chức hội thảo về thực trạng và giải pháp cho việc dạy Sử, học Sử trong trường phổ thông, nhưng rồi căn bệnh nan y “ thờ ơ với Sử ” vẫn ngày càng trầm trọng .

Lý giải về hiện tượng trên, bên cạnh những ý kiến cho rằng nguyên do nằm ở chổ Sử chỉ là môn phụ, các nhà chuyên môn đã nhìn sâu hơn vào thực chất của việc dạy và học môn Sử. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng lâu nay nền giáo dục chỉ quan tâm đến lịch sử theo kiểu đánh đố trí nhớ . Chắc hẳn ông cho rằng việc bắt học trò phải nhớ dữ kiện, số liệu, ngày tháng …là điều lãng phí vì … “ Lịch sử không phải chỉ là nhớ, vì bây giờ chúng ta có nhiều phương tiện, có thể tra cứu bất cứ lúc nào ” Ông nêu lên quan điềm … “ nên coi sử học là ngụ ngôn chứ không phải là trí thức chính xác …Ngụ ngôn để các em hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của các sự kiện lịch sử . Sử học có hai thuộc tính rất quan trọng , đó là sự trung thực và công bằng . Cần thực sự công bằng trong đánh giá từng giai đoạn lịch sử để hấp dẫn các học sinh , còn nếu chỉ lải nhải những điều mà các em chưa tin thì sử học sẽ không thể hấp dẫn , thay vào đó lại là sự khổ sai về trí nhớ ” Giáo sư Đinh Xuân Lâm, một người có thâm niên 60 năm dạy sử đã đưa ra một cái nhìn của người trong cuộc. Ông phân tích : “ nguyên nhân thì có rất nhiều và đều đã được đề cập từ lâu. Khách quan để đánh giá, xã hôi hiện tai là xã hội kinh tế thị trường …mới ở dạng chưa ổn định, nên các ngành khoa học xã hội, đặc biệt là môn lịch sử, không được đánh giá đúng giá trị của nó…Về phía các nhà hoạch định chính sách và quản lý giáo dục, môn lịch sử không được coi như một môn khoa học có tính giáo dục tình cảm con ngườ : lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đạo đức của các bậc tiền nhân …” từ đó, ông chỉ đưa ra rằng… “Chúng ta đang hiểu sai về môn lịch sử, đó không phải là một môn giáo dục tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn khoa học với tất cả sự hấp dẫn và khó khăn của n …Tôi dạy sử hơn nửa thế kỷ, tôi biết trẻ em đứa nào cũng yêu thích môn lịch sử, chính người lớn làm cho chúng hết yêu Sử ”. Từ nhận định đó, ông đề nghị : “ Chúng ta cần phải viết một bộ sach giáo khoa lịch sử theo yêu cầu của thời đại, với tinh thần hòa nhập và đổi mới. Chương trình cũ của chúng ta chỉ hòa hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định, trong thời chiến tranh mà thôi … ”

Trước thực tế trên, Bộ Giáo dục- Đào tạo chỉ đưa ra một thông tin khá đơn giản gửi đến báo Tuổi Trẻ rằng: “ Đây là một thực tế không thể xem nhẹ …” và đưa ra hướng khắc phục khá mơ hồ “ Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm giải pháp , chỉ đạo khắc phục tình trạng trên , đồng thời tiếp thu ý kiến công luận qua các cuộc hội thảo ”.

Đi tìm cành olive đã mất

Nói một cách hình tượng thì phải chăng , giống như một bộ phận giới trẻ phương Tây, các em học sinh Việt Nam cũng đang chạy theo chiếc Lexus mà bỏ quên cành olive , đến nỗi tác giả Thomas Friedman đã phải viết trong tác phẩm The Lexus and the olive tree , để nhắc nhở rằng : “ …olive là loại cây quan trọng, chúng đại diện cho những gì là gốc rễ chúng ta, che chở cho chúng ta và đưa chúng ta vào thế giới này – dù cho chúng là tài sản của một gia đình , một cộng đồng , một bộ tộc, một đất nước, một tôn giáo, hay một nơi được gọi là quê hương. Cành olive cho ta mái ấm gia đình, niềm vui cá nhân, sự gần gũi trong quan hệ giữa con người … khái niệm quốc gia không bao giờ mất đi, ngay khi chúng suy yếu, cũng chính là cây olive – cách diễn đạt tối thượng nguốn gốc của chúng ta về ngôn ngữ , địa lý và lịch sử . Đứng một mình bạn không thể nào là con người hoàn chỉnh , một mình bạn có thể là một nhà thôngi . Một mình bạn có thể là một người giàu có , nhưng bạn không bao giờ là người hoàn chỉnh khi đứng một mình. Bạn phải là người có cội nguồn và là phần không tách khỏi của một vườn cây olive nào đó ”. Trong khi vẫn có quan niệm cho rằng người phương Tây luôn hướng tới phía trước và không để ý tới nguồn gốc , thì đoạn trích từ Thomas Friedman ở trên cho thấy họ vẫn luôn quan tâm đến việc “ gìn vàng giữ ngọc ”.

Nhìn về phương Đông, ta thấy người Nhật cũng không ngừng nhắc nhở nhau tìm kiếm linh hồn tập thể của họ. Điều đó có thể thấy trong bài viết Hồn nước của Châu Sa được đăng trên Văn Hóa Phật Giáo số 36 phát hành ngày 1/7/2007 khi tác giả nhắc đến quyển sách Phẩm cách quốc gia của Mashahiko Fujiwara trong đó nhà học giả người Nhật này đã cố gắng đánh thức dân Nhật đứng chạy theo văn minh Tây phương một cách mù quáng mà phải quay về với tâm linh, với truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Mặc dù quang điểm của Mashahiko Fujiwara cũng bị một số người phê phán vì ông kêu gọi dân Nhật trở lại sống với luân lý Võ sĩ đạo, quyển sách của ông cũng nói lên được nỗi thao thức băn khoăn trong việc tìm về nguốn cội , tìm về lịch sử dân tộc. Trái lại ở ta, cứ theo cái đà này thì bản sắc văn hóa sẽ trở thành nhạt nhòa nếu môn Lịch sử không còn ý nghĩa thiêng liêng với các em học sinh, và tệ hơn nữa, với cả những người làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục .

Dạy sử chính là dạy lòng yêu nước

Ai cũng biết rằng, lịch sử nhắc nhở cho mọi người biết mình là ai trong thế giới này. Học lịch sử là học về nỗi thăng trầm của cả một khối người trong dòng thời gian , từ lúc họ bắt đầu sống quần tụ với nhau trên cùng một vùng đất với những khó khăn giang khổ của việc dựng nước, đến lúc vùng đất ấy phát triển thành một quốc gia, có cương vực có định chế ; trong dòng thời gian ấy, có lúc thất bại nhọc nhằn, có khi thành công vinh quang, nhưng những con người đã sống quần tụ thành quốc gia dân tộc luôn luôn có một mục đích chung để hướng tới, là xây dựng một đất nước giàu đẹp, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lịch sử là như vậy thì hấp dẫn lắm chứ. Và chắc hẳn không thể nào phản bác lời của giáo sư Đinh Xuân Lâm được trích ở trên, rằng với hơn nửa thế kỷ dạy sử, ông khẳng định trẻ em đứa nào cũng yêu sử; mà chính là người lớn đã làm cho trẻ em hết yêu sử.

Như vậy, mọi người có thể phê phán phương pháp, nội dung chương trình; nhưng phải nhớ rằng chính những người lớn, những bậc cha mẹ đi trước, phải là những người thắp sáng sự yêu thích của con em chúng ta đối với môn lịch sử.

Tất nhiên, trong gia đình , các bậc cha mẹ cũng có thể kể cho con em mình nghe những câu chuyện về Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, về Trần Quốc Toản bóp nát trái cam trong tay mà không biết khi không được dự hội nghị kháng Nguyên ở Bình Than, về Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mãi mê nghĩ việc nước mà không hay ngọn giáo đâm xuyên đù …Thế nhưng, nếu lúc tiếp xúc với thực tế học đường mà các em không tiếp tục được truyền lửa bằng cách tiếp cận lịch sử theo hướng ngụ ngôn để hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của các sự kiện lịch sử mà lại cứ bị nhồi nhét những con số, những chi tiết dữ kiện, thì lòng yêu sử của các em đã được gia đình nhen nhóm cũng sẽ nhạt mất. Chưa kể những truyền thông đại chúng đã làm gì để học sinh ngày nay biết nhiều về Càn Long, Khang Hy, Phổ Nghi, hay Bao Chửng, Nhạc Phi, Tần Cối, hơn là những bậc tiền nhân như Trần Nhân Tông, Lê Lợi, Quang Trung, và Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm …? Học sử là hoc để yêu dân tộc và dạy sử chính là dạy lòng yêu nước. Dạy sử một cách khách quan không thiên kiến, tạo cho học sinh phát triển tư duy lý luận thì môn lịch sử sẽ trở thành hấp dẫn. Ngược lại , nếu cứ nhồi nhét thật nhiều dữ kiện với hàng loạt những số liệu chưa cần thiết rồi đòi học sinh phải nhớ thuộc lòng như vẹt, thì chắc chắn không thể cuốn hút được Mặt khác, cũng cần phải làm thế nào để các thầy cô giáo có không gian và thời gian gởi trao kiến thức bên ngoài bài giảng để lồng vào vào đó những tình cảm chân thực và có một cái nhìn tổng hợp về lịch sử. Nếu không, bài học lịch sử chỉ mãi mãi là những trang báo cáo chiến công và thành tích.

Chúng ta luôn mong muốn học sinh của chúng ta biết suy nghĩ trung thực, biết đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của đất nước mình, của dân tộc mình để vươn lên trong gian khó như hình ảnh quốc hoa – đóa sen trong bùn – thì, hơn bao giờ hết việc đổi mới cách dạy sử và học sử là một yêu cầu cấp thiết, là mệnh lệnh của thời đại và là thước đo đánh giá toàn bộ nền giáo dục trong sự nghiệp trồng người. Nếu không làm được hay làm chậm trễ, chúng ta sẽ lặp lại sai lầm.