Search:
View  Edit  Attributes  History  Attach  Print  Search
Menu PTL / BìnhGiảngMộtSốBàiThơTiêuBiểuCủaNguyễnBỉnhKhiêm

Menu

Options

edit SideBar

BÌNH GIẢNG MỘT SỐ BÀI TIÊU BIỂU CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM:

1. Cảnh Nhàn

Một mai, một cuốc một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao
(BẠCH VÂN QUỐC NGỮ THI)

I. Chú Thích :

Mai : dt, một loại nông cụ như xẻng,cuốc dùng để đào lỗ, xúc đất.

Chốn lao xao : nơi ồn ào, huyên áo, chỉ cảnh xã hội đông đảo, bon chen danh lợi…

Măng trúc : dt, măng tre. Giá : mầm đậu tươi non do ngâm ủ đậu xanh mà thành dùng để làm rau.

II. Bình Giảng :

Về các bài thơ tả cảnh nhàn xưa của các bậc tiên nho, thì đây là bài tả cảnh nhàn một cách rõ rệt, cụ thể nhất. Ta đã từng thấy các bài cảnh nhàn của danh thần Nguyễn Trãi khi lui về qui ẩn ở Chí Linh. Nhưng ở đây, ta không thấy nỗi buồn chán của kẻ trượng phu bất mãn vì thân thế hay thời thế. Tác giả đã mô tả cảnh nhàn với niềm vui thanh thản, an lòng và không còn vọng động. Ta cũng biết rằng tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho hạnh đạt, được triều đại nhà Mạc hết sức trân trọng, ưu đãi, song vì thời thế có lúc không thuận lợi, đạo khó hành, nên về ẩn cư nơi thôn dã. Ngoài ra ông lại là người học rộng am hiểu Kinh Dịch, hiểu lẽ xuất xử , giỏi văn chương, sống giữa buổi loạn ly. Khuynh hướng an nhàn là điều dễ hiểu. Cái khí vị toát lên trong thơ ông là sự điềm tĩnh, hiền hoà, thanh thản của một nhà nho tiên phong đạo cốt, từng trải việc đời, nhưng xem danh lợi như áng phù vân. Đó cũng là hình ảnh đẹp về con đường xuất xử .

Bố cục bài thơ cũng là bố cục theo Đường luật, thất ngôn bát cú :

Câu 1-2 : Công việc nhàn hạ của tác giả.
Câu 3-4 : Vui thích bằng lòng với cảnh an nhàn.
Câu 5-6 : Cuộc sống bình dị, thanh đạm trong cảnh thanh nhàn.
Câu 7-8 : Phong độ thoát vòng tục luỵ của người ở ẩn.
Bài thơ toát lên được cuộc sống khoáng đạt của một ẩn sĩ sống thanh thản giữa tạo vật thiên nhiên, như bản đàn tuyệt diệu Trang Tử Nam Hoa kinh. Chữ nhàn được thấy ở đây không chỉ là cái nhàn vật chất, hưởng thụ, làm tê liệt hình hài, là cái hình thức tầm thường, thô thiển của chữ nhàn, mà cái nhàn ở đây là sự thanh thoát ở tinh thần, không màng đến lợi danh, không màng đến sự sống xa hoa với “tâm vô dục vô cầu”, vì những trò đời được mất hơn thua chỉ là áng phù vân, là giấc mộng nam kha :
Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao
Ngay mở đầu bài, tác giả đã nêu bật được hình ảnh một cuộc sống ở nông thôn, giữa đất trời cao rộng, cũng có vẻ khá bận rộn khi làm vườn, trồng hoa, khi câu cá… nhưng lại rất tự do khoáng đạt :
Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Giữa cuộc sống sôi động, hơn thua và huyên náo ở ngoài kia, tác giả tự nhận mình là người dại, để phân biệt với bao kẻ khôn ngoan đang lặn hụp trong trường danh lợi : Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Cái chốn lao xao ấy, chốn của những kẻ khôn ngoan, ta không còn bận lòng đến nữa để vui lòng làm kẻ dại về chốn không lao xao, yên bình và phẳng lặng, để sống hoà cùng thiên nhiên, mùa nào thức nấy, theo từng nhịp độ của thời gian “xuân sinh hạ trưởng thu liễm đông tàng” :
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Tác giả đã để lòng mình hoà với thiên nhiên bốn mùa vần xoay và trong những lúc thích thú, vui vẻ chan hoà cũng biết thưởng thức chút niềm vui trần thế : Rượu đến gốc cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao
Cái vòng danh lợi phú quí, mà phần lớn loài người đang lao vào bon chen đấu tranh khốc liệt để đạt được thì đối với tác giả chỉ có ý nghĩa như một giấc chiêm bao: ngắn lắm và phù du lắm, không còn đủ sức quyến rũ những tâm hồn ở ngoài vòng danh lợi.

Nét độc đáo ở đây là cốt cách tự tại, điềm tĩnh, thanh thản của nhà thơ. Ngay cả câu 3-4 có dùng phép phản ngữ ngụ ý trào phúng “ta dại, người khôn”nhưng không quá mỉa mai, khe khắt, mà còn có ý vị “lạc thiên, an mệnh” của tư tưởng Lão Trang.

Tóm lại bài Cảnh Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác trong thời kỳ cáo quan về ở ẩn, ý thơ trong sáng, lời lẽ bình dị, tư tưởng thông suốt êm xuôi, ngoài việc bộc lộ tư tưởng tình cảm tác giả, bài thơ còn đánh dấu một cố gắng thoát ly ảnh hưởng khuôn sáo thi tứ Trung Hoa mà tiến đến một ngôn ngữ thi ca dân tộc .

2. Nhân Tình Thế Thái

Thế gian biến cải vũng nên đồi,
Mặn, nhạt, chua cay, lẫn ngọt bùi,
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.
Xưa nay, đều trọng người chân thực,
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.
Ở thế, mới hay người bạc ác,
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.
(BẠCH VÂN QUỐC NGỮ THI)

I. Chú thích :

Biến cải vũng nên đồi : Chỉ những sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời như thay đổi bộ mặt xã hội, thay đổi cảnh vật, thay đổi của lòng người.

Mặn, nhạt, chua, cay, ngọt, bùi : Chỉ những trạng thái, tình cảnh, tình huống ngang trái trong cuộc sống đa đoan, tục luỵ, chìm nổi.

Đệ tử : dt, Chỉ những kẻ dưới quyền, tay chân, thuộc hạ sống bám vào việc tâng bốc cấp trên.

Kẻ đãi bôi : kẻ nói lời ngon ngọt lấy lòng, không thật, xảo ngôn.

II. Bình Giảng :

Qua bài thơ Nhân Tình Thế Thái tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm cho ta thấy sự thật về bộ mặt của người đời, nơi đó, đầy rẫy những kẻ hám danh vụ lợi, tầm thường, vì miếng cơm áo quên điều nhân nghiã, dù trong tận đáy lòng, con người cũng biết trọng điều chân thật, ghét sự dối trá, gian manh; mà chỉ những tâm hồn sống từng trải nếm qua mọi cảnh đời mới thấu hiểu được.

Bài thơ có bố cục theo thể thơ Đường luật, Thất ngôn bát cú :

Câu 1-2 : Cuộc đời luôn thay đổi, thăng trầm đầy vơi với mọi cảnh ngộ.
Câu 3-4 : Tâm lý, thói đời vụ lợi và phù thịnh, quên nhân nghĩa.
Câu 5-6 : Thiện ý của con người xưa nay ưa chân thật, ghét gian ngoan.
Câu 7-8 : Có sống ở đời, mới rõ được nhân tình thế thái.
Mở đầu bài thơ, tác giả cho thấy cảnh đời luôn biến đổi tang thương, trong đó con người cũng từng trải qua bao cảnh ngộ đa đoan, trớ trêu, đau khổ và hạnh phúc… Nhưng không phải con người luôn giữ được bản chất thiện lương của mình. Mỗi thay đổi cũng xuất hiện đầy rẫy những cảnh ngộ lọc lừa, phản phúc, trắng trợn đến mức tàn nhẫn, phũ phàng :
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi
Những cụm từ còn ,hết, trùng điệp và đối xứng nhau trong hai câu thực như góp phần mô tả sự trắng trợn, thẳng thừng đến mức phũ phàng của tình đời đen bạc. Cách ngắt nhịp 2 – 2 - 3 của cả hai câu thực cũng bật lên giọng điệu cứng rắn, đến lạnh lùng. Hai câu thực đã toát lên ý chính, tư tưởng chính của bài thơ : Con người chỉ sống vụ lợi, vì miếng cơm manh áo, (bạc , tiền, cơm, rượu) làm gì có đạo lý và nhân nghĩa. Làm gì còn tình nghĩa đệ tử và đạo lý ông tôi, Mối tương quan đó chỉ có giá trị khi đi liền với bạc tiền và cơm rượu. Hết chất xúc tác đó thì các thực thể tách rời nhau. Con người lấy cặp mắt trắng dã lạnh lùng để nhìn nhau (bạch nhãn), không tình cảm. Những tưởng rằng đã cùng nhau trải qua bao cảnh ngộ mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi, thì tình phải sâu hơn nghĩa phải trọng hơn. Nhưng thực tế phũ phàng đã cho ta một bài học : sự từng trải chỉ giúp ta có một nhận thực chính xác hơn, xót xa hơn về lòng dạ người đời: bội bạc và vụ lợi.

Trước đây đọc Sầm Tham :
Thế gian giao kết do hoàng câm (kim)
Hoàng câm bất đa giao bất thâm…
(Người đời giao kết vì tiền,
Ít tiền tình nghĩa có bền được đâu.)
Ngày nay đọc Nguyễn Bỉnh Khiêm ta thấy nhà thơ xưa và nay, con người dù ở bất cứ nơi đâu và thời nào cũng thế. Người thức giả dù từng trải việc đời, cũng chỉ biết mô tả, mỉm cười nhẹ nhàng khoan dung để mong sửa đổi chút phong hoá… nên ở hai câu luận tác giả nhắc nhở cái tính thiện trong thâm tâm mỗi con người :
Xưa nay, đều trọng người chân thực,
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.
Chân thực là cái vốn quí mà trời đất đã cho ta. Mỗi người phải biết vun bồi sửa chữa mỗi ngày để hoàn thiện mình, và cải tạo cuộc đời cho nó ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Đó là đạo lý của cuộc sống.Vì dù sao chăng nữa, con người vẫn biết trọng nhân nghĩa, ghét gian tà.

Vả lại, phải là người sống từng trải sâu sắc như thế nào, tác giả mới nhận xét thấu đáo cuộc đời, khả dĩ tìm một con đường ứng xử thích hợp hơn :
Ở thế, mới hay người bạc ác,
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.
Cũng sống trong cảnh người đời, thâm hiểu về cuộc đời, thế thái nhân tình… nhưng văn hào La Rochefoucauld của Pháp, nhìn đời với cặp mắt bi quan, tuyệt vọng. Trái lại, nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm-Việt Nam có thái độ điềm nhiên trước cảnh đời đen bạc, hiểu thói đời tầm thường, tráo trở và dung tục… nhưng người vẫn có nụ cười nhẹ nhàng, khoan dung đối với nhân quần xã hội của một bậc chính nhân quân tử, vui cuộc đời ẩn dật.

3.Cảnh Nhàn Lúc Tuổi Già

Tóc đã thưa, răng đã mòn,
Việc nhà đã phó mặc dâu con.
Bàn cờ, cuộc rượu, vườn hoa trúc,
Bó củi, cần câu, chốn nước non.
Nhàn được thú vui hay bao nả!
Bữa nhiều muối bể chứa tươi ngon.
Chín mươi thì kể xuân đà muộn,
Xuân ấy qua ngày, xuân khác còn.
(BẠCH VÂN QUỐC NGỮ THI)

I.Chú thích :

Tóc đã thưa răng đã mòn: chỉ tuổi già răng rụng, tóc thưa.

Phó mặc : giao trọn cho, ủy hết cho…

Bao nả : Chẳng mấy chốc, ngắn ngủi. Ý nói vui thích được chút nào hay chút ấy.

Chứa : rất nhiều, chán vạn (chan chứa).

Xuân : (trong câu 7) chỉ đời sống.

Xuân : (trong câu 8) Chỉ ngày xuân, mùa xuân, ngày xuân.

II.Bình Giảng :

Đây là bài thơ tác giả làm vào lúc tuổi già(tuổi 90). Ta biết ông sống thọ 95 tuổi mất năm At dậu (1587) sau khi đã tròn bổn phận với cuộc đời : Thi đỗ, làm quan phò triều Mạc gần 30 năm, mới cáo quan về năm 73 tuổi. Lời thơ giản dị, thanh thoát, nhẹ nhàng… của một con người tiên phong đạo cốt trong cuộc sống ẩn dật nơi thôn dã. Việc nhà đã phó mặc dâu con, không vướng mắc, vẫn giữ được vẻ phong lưu, lâng lâng thanh thản với thú vui bình dị. Tuy vậy vẫn năng hoạt động như sự vận động để tinh thần và thể xác đều vui khoẻ, nhẹ nhàng.

Đoạn mạch của bài thơ được cấu trúc theo thể Đường luật thất ngôn bát cú như sau :

Câu 1-2 :Tuổi già sống nhàn cư, việc nhà trao lại các con.
Câu 3-4 và Câu 5-6 :Những hoạt động công ích nhẹ nhàng để vận động chân tay lúc tuổi già đã trở thành thú phong lưu bình dị ở nông thôn : đánh cờ, chăm sóc cây cảnh và uống rượu, câu cá, hái củi … Thưởng thức và an hưởng tuổi già.
Câu 7-8 : Ngẫm nghĩ về cuộc sống mặc cho ngày tháng trôi, đổi thay và tàn lụn.
Toàn văn bài thơ toát ra vẻ thanh thoát, vui sống hưởng cảnh nhàn của bậc tao nhân mặc khách, đã làm tròn trách nhiệm đối với xã hội, nay trở về vui cảnh điền viên lòng không còn vướng bận chuyện đời. Hơn thế nữa, tác giả cũng không còn vướng bận cả chuyện gia đình :
Tóc đã thưa, răng đã mòn,
Việc nhà đã phó mặc dâu con.
Ta nghe như lời tâm tình của một cụ già, kể cho ta nghe sự sắp đặt việc đời của cụ, tuổi già gác bỏ công việc xã hội, gia đình để tận hưởng những ngày tháng thanh nhàn giản dị :
Bàn cờ, cuộc rượu, vườn hoa trúc,
Bó củi, cần câu, chốn nước non.
Cách ngắt nhịp 2-2-3 trong hai câu thực, mô tả hình ảnh sinh dộng của nông thôn rất VN. khác hẳn với thi tứ Trung hoa vay mượn; kết hợp các điệp từ trong hai câu đề: đã thưa… đã mòn… đã phó mặc… như xác định cái thời gian đã trôi xa, đã trở thành quá khứ.

Đó còn là những sinh hoạt thường nhật trong cảnh điền viên, nhưng không còn bị thúc ép bởi gia đình hay xã hội mà là những hoạt động tự nguyện để sự sống bao giờ cũng có ý nghiã : khi đánh cuộc cờ, khi uống rượu với bạn , khi chăm sóc vườn hoa trúc, khi hái củi, khi đem cần câu đến chốn nước non để được gần với thiên nhiên, hoà cùng tạo vật … Người cũng còn một niềm vui thưởng thức những món ăn tươi do chính mình làm ra, được lúc nào vui lúc ấy, không còn khái niệm thời gian với tuổi già :
Nhàn được thú vui hay bao nả!
Bữa nhiều muối bể chứa tươi ngon.
Ba chữ xuân trùng điệp trong hai câu kết cũng có tác dụng lạ lùng :
Chín mươi thì kể xuân đà muộn,
Xuân ấy qua ngày, xuân khác còn.
Xuân về tuổi tác thì chín mươi là quá muộn, là trường thọ, cho nên đối với tuổi già thì ngày tháng trôi qua, xuân đã qua; nhưng đối với niềm vui thanh thản và ý nghĩa thâm sâu cuộc sống thì mùa xuân luôn tái sinh trong vạn vật, xuân đó vẫn còn …miên viễn và trường tồn làm nên ý nghĩa cuộc sống vậy.

Hoa càng khoe nở, hoa nên rữa,
Nước chứa cho đầy nước ắt vơi,
Mới biết doanh hư đà có số…
Bài thơ ngoài việc bày tỏ tâm tình tác giả lúc vui cảnh điền viên tuy đã chín mươi mà tinh thần vẫn còn sảng khoái, ung dung tự tại, không chút buồn chán; bài thơ còn đánh dấu bước đầu thơ Nôm đã vượt ra khỏi khuôn sáo của thi tứ Trung hoa, mang tính ước lệ… ở đây bài thơ mang màu sắc dân gian Việt Nam hồn quê hồn nước, mang phong vị rất nông thôn và màu sắc triết lý sinh trưởng bốn mùa vần xoay, xuân còn mãi.

4.Bài đọc thêm: Độc Chu Dịch Hữu Cảm

Cơ ngẫu, tùng lai doanh cánh hư,
Âm dương, tiêu trưởng nghiệm thừa trừ
Cấu sơ tại hạ phùng luy thỉ
Bác ngũ cư trung đắc quán ngư.
Tổng thác vạn thù kim cổ sự
Thống tông nhất lý thánh hiền thư.
Thế vô tam tuyệt vi biên giả,
Sổ mặc tầm hàng tiếu thái sơ.
NGUYỄN BỈNH KHIÊM

I. Chú thích :

Cơ ngẫu, tùng lai doanh cánh hư : Chẵn lẻ đến đi đầy lại vơi

Âm dương tiêu trưởng nghiệm thừa trừ : Lẽ âm dương, thành bại đều không ra ngoài qui luật thừa trừ.

Cấu : tức phong thiên cấu : tên một quẻ dịch, tên hào tốt, nhưng hào sơ động, nên phòng con heo gầy

Bác : tức Sơn địa bác : tên một quẻ dịch, tên hào không tốt (bác:rơi rụng, đẽo gọt) nhưng được hào năm,tốt, được một sâu cá… Cả hai quẻ cùng có ý nghĩa sự vật luôn biến động, trong tốt có mầm xấu, trong xấu có hào từ tốt …

Tổng thác : gởi tất cả vào

Vạn thù kim cổ sự : mọi sự tượng khác nhau từ xưa đến nay.

Thống tông nhất lý : tất cả qui về một lý lẽ, một mối.

Thánh hiền thư : Sách của thánh hiền

Sổ mặc tầm hàng : Nghb.Đếm chữ tìm dòng, phê bình lối học tầm chương trích cú.

Tiếu thái sơ : Đáng cười cho sự hiểu biết quá thô thiển.

2. Bố cục bài thơ :

Câu 1-2 : Tất cả mọi sự vật hiện tượng đến đi đầy vơi, âm dương, thành hoại … đều không ra ngoài qui luật thừa trừ.
Câu 3-4 : Trong cái tốt có cái xấu, trong cái xấu có chứa cái tốt (ý nghĩa và tượng của Dịch).
Câu 5-6 : Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều có chung một lý là chữ thời, (chữ Dịch), trong sách thánh hiền.
Câu 7-8 : Ca ngợi cái học sâu sắc của người xưa, châm biếm cái học tầm chương trích cú, nông cạn, của người thời nay.

3. Bình giảng :

Bài thơ Độc Chu dịch hữu cảm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, là một bài thơ Hán văn viết cảm tưởng của tác giả sau khi đọc Kinh Dịch của người xưa; bày tỏ cảm tình và sự thán phục đối với Kinh Dịch, một bộ sách được liệt vào hàng kinh điển của Nho giáo, tồn tại từ đời nhà Chu (1150-249 trước Công Nguyên.)

Mở đầu bài, tác giả đã nếu bật được một qui luật bao trùm lên mọi sự vật hiện tượng, đến đi, thành bại, vơi đầy… đều không ra ngoài luật thừa trừ, là cơ sở nhận thức của Dịch. Từ đó tác giả chứng minh bằng các tượng và biến thiên của các hào của Dịch : Như quẻ Cấu (thiên phong cấu ) tên hào tốt, nhưng động hào sơ (hào 1) nên chưa được tốt, phải đề phòng con heo bị còi, gầy ốm… Như quẻ Bác (Sơn địa bác) tên hào xấu, nhưng động hào 5 lại trở thành tốt, người đi câu có thể được một xâu cá. Cho nên trong tốt cũng có xấu, và trong xấu cũng có tốt. Đó là ý nghĩa của Dịch.

Cấu sơ tại hạ phùng luy thỉ
Bác ngũ cư trung đắc quán ngư.
Từ đó, tác giả mở rộng ý nghĩa khái quát : mọi sự vật hiện tượng trong trời đất khác biệt nhau, từ ngàn xưa đên nay… cũng có chung một nguyên lý, một qui luật … đều được biện lẽ trong sự biến thiên của dịch. Quyển sách quí đã tập đại thành tư tưởng, trí khôn của người xưa, hiểu đựơc qui luật của tự nhiên, xã hội và con người :

Tổng thác vạn thù kim cổ sự
Thống tông nhất lý thánh hiền thư.
Cái giá trị của dịch con người học mãi mà không bao giờ vơi cạn, cho nên ngày xưa, đã có bậc thánh hiền đọc đi đọc lại, ba lần đứt cả quai sách mà vẫn chưa cảm thấy đủ, vẫn còn phải tìm tòi học hỏi thêm (Khổng Tử ). Trái lại, cái học ngày nay nặng về hình thức, người ta thường chú trọng bề rộng hơn bề sâu, thường mang tính cách phô diễn, tầm chương trích cú… Vì thế tác giả mới lên tiếng phê phán với một nụ cười nhẹ nhàng hóm hỉnh :

Thế vô tam tuyệt vi biên giả,
Sổ mặc tầm hàng tiếu thái sơ.